23 Tháng 10

Sáng 9/10, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn

Sáng 9/10, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn

Đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch tại khu vực nông thôn

Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn nhằm sơ lược hiện trạng chính sách về giá nước, cấp bù và hỗ trợ giá nước sạch nông thôn ở cấp trung ương và bài học kinh nghiệm triển khai ở một số tỉnh. 

Theo mục tiêu của Chiến lược quốc gia cấp nước được đặt ra trong Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021, đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn (tối thiểu 60 lít/người/ngày) và năm 2045 là 100% dân cư được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu này đang là thách thức lớn do công trình đang ngày càng xuống cấp, suy giảm năng lực cấp nước do thu không đủ bù chi, đặc biệt chi bảo trì.

Trên thực tế, giá nước sạch thu được hầu như không thể bù đắp đầy đủ chi phí quản lý vận hành và khấu hao… trong khi việc xây dựng và trình phê duyệt phương án giá theo mục tiêu có thể bù đắp chi phí đối với các công trình đang diễn ra rất chậm chạp, do nhiều rào cản và vướng mắc khác nhau. 

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Văn phòng điều phối Cấp nước và vệ sinh nông thôn (Bộ NN-PTNT) nêu thực tế cho thấy, giá tiêu thụ nước sạch được đánh giá là yếu tố chủ chốt quyết định đến tính hiệu quả và bền vững của công trình, tuy nhiên hiện nay giá nước áp dụng rất khác nhau, và cũng có sự chênh lệch lớn về mức giá, cơ cấu chi phí trong giá thành giữa các công trình, mô hình tổ chức quản lý vận hành, thậm chí trong cùng một địa phương. 

"Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn (tối thiểu 60 lít/người/ngày) và năm 2045 là 100% dân cư được sử dụng nước, vấn đề giá nước, bù giá và hỗ trợ giá đang được thảo luận và cần có những giải pháp đồng bộ các cấp", ông Liêm cho biết. 

Chia sẻ về xây dựng giá nước, bù giá và hỗ trợ giá nước sinh hoạt nông thôn, TS Đinh Văn Đạo, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thông tin, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song nước sạch nông thôn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, các địa phương và giữa các huyện, xã trong một tỉnh; việc quản lý, cung cấp dịch vụ công về nước sạch nông thôn ở địa phương còn chưa ổn định và hiệu quả.

Việt Nam có hơn 18.000 công trình đường ống cấp nước nông thôn, cung cấp dịch vụ nước sạch cho hơn 51% tổng dân số nông thôn Việt Nam, như vậy còn khoảng 30 triệu người chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. Điều này đồng nghĩa với việc, tại nhiều vùng nông thôn, việc thiếu dịch vụ cung cấp nước sạch đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với phúc lợi và sự phát triển của những cộng đồng này. Tuy nhiên trong số này có hơn 41% công trình kém bền vững, không hoạt động và 26% công trình mang tính bền vững tương đối.

TS Đinh Văn Đạo cũng nêu một số thách thức trong vấn đề xây dựng giá nước, bù giá nước sinh hoạt khu vực nông thôn như công trình cấp nước đang ngày càng xuống cấp, suy giảm năng lực cấp nước do thu không bù chi, đặc biệt chi bảo trì. Nguyên nhân do giá nước sạch thu được hầu như không thể bù đắp đầy đủ chi phí quản lý vận hành và khấu hao vốn… trong khi xây dựng và trình phê duyệt phương án giá theo mục tiêu có thể bù đắp chi phí đối với các công trình đang diễn ra rất chậm chạp. 

Triển khai biểu giá nước hiệu quả nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch nông thôn bền vững

Giá tiêu thụ nước sạch là yếu tố chủ chốt quyết định đến tính hiệu quả và bền vững của công trình song giá nước áp dụng khác nhau, tồn tại sự chênh lệch lớn về mức giá, cơ cấu chi phí trong giá thành giữa các công trình, mô hình tổ chức quản lý vận hành và trong cùng địa phương. 

Theo đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, để đạt được mục tiêu lớn hơn hoặc bằng chi, vấn đề giá nước, bù giá và hỗ trợ giá cần có những giải pháp đồng bộ các cấp. 

Cần thiết lập chính sách hỗ trợ nhằm ưu tiên nhu cầu của cộng đồng nông thôn và tạo môi trường thuận lợi để triển khai giá nước một cách bền vững và công bằng

Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình phát triển vì sự sống còn của trẻ em - Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam cho biết, việc xây dựng giá nước phù hợp đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cộng đồng nông thôn có quyền tiếp cận công bằng và bền vững với tài nguyên nước. 

Ông Muthu kêu gọi các bên cần phối hợp với nhau để tìm kiếm các giải pháp bền vững nhằm giải quyết những thách thức đặt ra. 

Trong suốt quá trình hoạt động của UNICEF, với nhiều dự án nước sạch nông thôn, đại diện muốn nêu bật những yếu tố quan trọng, khuyến nghị Việt Nam cân nhắc để triền khai hệ thống biểu giá nước một cách hiệu quả. 

Đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định điều kiện kinh tế, xã hội đa dạng của các cộng đồng nông thôn. Các yếu tố như mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, và khó khăn về kinh tế đòi hỏi xem xét cẩn thận khả năng chi trả và khả năng tiếp cận dịch vụ nước khi xây dựng và thiết kế biểu giá nước, đặc biệt là tác động của biểu giá nước cao đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương và yếu thế. Cần đạt được sự cân bằng giữa việc đảm bảo thu hồi chi phí vận hành bền vững, đồng thời phải đảm bảo khả năng chi trả đối với tất cả các thành viên trong cộng đồng. 

Thứ hai, các khung chính sách và quy định đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý nước sạch nông thôn. Cần có hướng dẫn, khung pháp lý và thể chế rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, giám sát và triển khai giá nước. Điều quan trọng là các cơ quan nhà nước phải thiết lập chính sách hỗ trợ nhằm ưu tiên nhu cầu của cộng đồng nông thôn và tạo môi trường thuận lợi để triển khai giá nước một cách bền vững và công bằng.

Sự tham gia của các bên liên quan là chìa khóa thành công của quản lý giá nước sạch nông thôn bằng cách thu hút sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình ra quyết định, đặc biệt là đối với các công trình do các cộng đồng, UBND xã quản lý để qua đó tạo ý thức về sự sở hữu và tính minh bạch. Cách tiếp cận hợp tác này có thể gia tăng sự tin tưởng của các thành viên trong cộng đồng, qua đó có thể áp dụng biểu giá nước một cách hiệu quả hơn. 

Thứ tư, nâng cao năng lực là một khía cạnh quan trọng khác. Ở khu vực nông thôn thường thiếu kiến thức và chuyên môn kỹ thuật về quản lý nước và thiết lập biểu giá. Thông qua các chương trình tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật, có thể trao quyền để cộng đồng địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ nước tại địa phương chịu trách nhiệm đối với các hệ thống nước địa phương. Sức mạnh chuyển đổi nâng cao năng lực sẽ cho phép các cộng đồng có thể đưa ra quyết định dựa trên thông tin đầu vào, giám sát tình hình sử dụng nước cũng như đóng góp giúp dịch vụ nước bền vững hơn. 

Thứ năm, việc giám sát và đánh giá là hợp phần quan trọng trong quản lý giá nước sạch nông thôn. Việc đánh giá thường xuyên về cơ cấu biểu giá, khả năng chi trả và cấu trúc giá, cũng như tìm hiểu doanh thu và chất lượng dịch vụ giúp đảm bảo cải thiện liên tục.