Tham dự Hội thảo khoa học có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính và các thành viên là các thầy, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực xây dựng công trình thủy đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Viện Năng lượng, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam; Hội Thủy lợi, Hội Cơ khí.
Hội thảo do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt cơ sở đào tạo, Thủ trưởng cơ sở đào tạo GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn đến các thầy, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực chuyên ngành của NCS. Hoàng Nam Bình đã đến tham dự.
GS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho biết: Hội thảo là buổi sinh hoạt học thuật và là hội thảo quan trọng đối với NCS. Hoàng Nam Bình, các thầy hướng dẫn từ đó có thể tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý của các thầy, chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, hoàn thiện luận án.
GS.TS. Nguyễn Vũ Việt mong muốn các thầy, chuyên gia, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo sẽ đóng góp nhiều ý kiến cho bản Dự thảo luận án của NCS và đề nghị NCS. Hoàng Nam Bình ghi chép cẩn thận các ý kiến góp ý của các thầy, chuyên gia, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo để có thể cùng với thầy giáo hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện luận án của mình trong thời gian ngắn nhất.
Báo cáo tại Hội thảo, NCS. Hoàng Nam Bình cho biết mục tiêu của Luận án nhằm thiết lập hệ phương trình vi phân phi tuyến của dòng biến lượng không ổn định chuyển động 1 chiều có kể đến các ngoại lực khác trọng lực như lực Coriolis, lực quán tính ly tâm của sông cong, lực do dòng chảy bên (nhập lưu hoặc phân lưu); Tuyến tính hóa hệ phương trình bằng phương pháp sai phân và thiết lập chương trình tính thích hợp; Xác định các hệ số trong phương trình áp dụng cho máng tràn bên; Xác định một số đặc trưng thủy động lực học trong máng tràn bên.
Từ các mục tiêu trên, NCS. Hoàng Nam Bình đã xác định đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và triển khai 06 nội dung nghiên cứu đó là Tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước. Phân tích đánh giá những hạn chế và xác định các vấn đề nghiên cứu; Nghiên cứu đặc điểm dòng chảy trong máng tràn bên có lưu lượng gia nhập từ một cạnh của máng; Phân tích cơ sở lý thuyết và phương pháp thiết lập hệ phương trình vi phân của SVF 1D không ổn định; Mô hình hóa và thiết lập công cụ mô phỏng số; Xác định các hệ số và công thức tính hS và hh; Mô phỏng USVF1D và xác định một số đặc trưng thủy động lực học trong máng tràn bên.
Theo NCS. Hoàng Nam Bình, Luận án đã có một số đóng góp mới như thiết lập, giải bài toán hệ phương trình Saint Venant mở rộng cho dòng biến lượng không ổn định. Xây dựng thuật toán và công cụ mô phỏng số USVFID giải bài toán một chiều của dòng biến lượng không ổn định; Sử dụng dữ liệu thí nghiệm xác định được các giá trị trung bình các hệ số phân bố lưu tốc trong dòng biến lượng. Phân tích các quan hệ thực nghiệm, xây dựng công thức xác định chiều sâu dòng chảy lớn nhất trên mặt cắt ngang và công thức xác định chiều sâu dòng chảy cuối máng tràn bên.
Các chuyên gia, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng Đề tài luận án phù hợp với chuyên ngành và mã số đào tạo; Nội dung luận án không trùng lặp với các công trình nghiên cứu khoa học, luận án đã công bố; Luận án có hàm lượng khoa học cao, khối lượng lớn khi kết hợp cả mô hình toán và mô hình vật lý để tính toán xác định các thông số thủy lực; Đề tài luận án cho kết quả nghiên cứu rõ ràng hơn về một số đặc trưng và chế độ thủy động lực học của dòng chảy trong máng bên. Từ đó góp phần hoàn thiện dần phương pháp tính toán thủy lực máng tràn bên. Với kết quả của luận án có thể giúp người thiết kế lựa chọn kích thước máng phù hợp điều kiện địa hình, đảm bảo công trình được an toàn về thủy lực cũng như kinh tế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã đưa ra nhiều ý kiến có giá trị giúp NCS. Hoàng Nam Bình và thầy giáo hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện luận án trước khi bảo vệ cấp cơ sở như bố cục lại luận án, chỉnh sửa phần tổng quan, phân tích rõ hơn những tồn tại của các nghiên cứu trước, bổ sung đánh giá về độ chính xác của các mô hình thí nghiệm các công trình trong thực tế như Đồng Nghệ, Việt An, Mỹ Bình; phân tích các nhược điểm của các phương trình tính của các tác giả trong và ngoài nước qua đó đưa ra hướng nghiên cứu cho luận án để tăng tính thuyết phục; Chỉnh sửa phần kết luận của luận án để làm nổi bật các kết quả nghiên cứu; chỉnh sửa lỗi chính tả, ký hiệu sơ đồ, tài liệu trích dẫn, tài liệu tham khảo.
Các chuyên gia, các nhà khoa học có mặt tại Hội thảo nhất trí cho NCS. Hoàng Nam Bình bảo vệ cấp cơ sở sau khi chỉnh sửa theo các ý kiến góp ý tại Hội thảo.