15 Tháng 09

Căn cứ Quyết định số 1751/QĐ-BKHCN ngày 7/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả để tiêu giảm sóng nhằm nâng cao độ an toàn cho đê biển Nam Định”; Mã số: ĐTĐLCN.40/18.

Ngày 15/9/2022 Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả để tiêu giảm sóng nhằm nâng cao độ an toàn cho đê biển Nam Định”, do TS. Doãn Tiến Hà làm chủ nhiệm, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển là cơ quan chủ trì.

Thành viên hội đồng và nhóm thực hiện đề tài báo cáo, trao đổi

Hội đồng đã nghe TS. Doãn Tiến Hà - Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện, báo cáo các sản phẩm khoa học mà nhiệm vụ đã đạt được.

TS. Doãn Tiến Hà - Chủ nhiệm đề tài, giới thiệu và tóm tắt quá trình triển khai, các kết quả đã đạt được của đề tài

Với mục tiêu đánh giá được thực trạng và hiệu quả tiêu giảm sóng của các công trình bảo vệ đê biển tỉnh Nam Định; Đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả để tiêu giảm sóng nhằm nâng cao độ an toàn cho đê biển tỉnh Nam Định.

Sau 3,5 năm thực hiện, đề tài đã nghiên cứu đề xuất và lựa chọn được giải pháp KHCN phù hợp nhằm tiêu giảm sóng và nâng cao an toàn cho đê biển Nam Định (có kiến nghị cho từng đoạn cụ thể). Để có các luận cứ khoa học rõ ràng cũng như có thể đưa kết quả vào áp dụng trong thực tế, đề tài đã lựa chọn một đoạn bờ, đê biển điển hình (từ Km25 đến Km27) thuộc địa phận đê biển Hải Hậu-Nam Định để nghiên cứu chi tiết. Giải pháp đề xuất đã được lập thành hồ sơ thiết kế cơ sở, được một đơn vị chuyên môn thẩm tra và cấp có thẩm quyền (sở Khoa học và Công nghệ Nam Định) lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu. Các tham số kỹ thuật chính của giải pháp (đối với đoạn bờ từ Km25 đến Km27) đề xuất, lựa chọn gồm: hệ thống 08 mỏ hàn biển dạng chữ T; thân mỏ chữ T dài X = 120m; cánh mỏ chữ T dài L = 180m; khoảng cách giữa hai cánh chữ T là G = 90m; cao trình đỉnh cánh là Zđ = +0,87m; bề rộng đỉnh cánh B = 13,8m; khối cấu kiện phủ sử dụng là khối Reefball (cao 1,35m, đường kính đáy 3,0m, nặng 5,0 tấn, mật độ lỗ rỗng là 25%) xếp 5 hàng sát nhau.

Hội đồng trao đổi và nêu các câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ

Chủ nhiệm nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng, cung cấp thông tin, giải trình.

Các thành viên Hội đồng thảo luận và nhất trí đánh giá: Đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài đã nghiêm túc triển khai thực hiện và hoàn thành các nội dung theo thuyết minh đã được phê duyệt. Hội đồng cũng đề nghị nhóm thực hiện bổ sung, hoàn chỉnh và làm rõ hơn một số nội dung, như: Đề nghị ban chủ nhiệm chỉnh sửa bổ sung: Chỉnh sửa và biên tập báo cáo tổng hợp, phân tích rõ hơn việc chọn địa điểm thiết kế cơ sở từ Km25 đến Km27; Chỉnh sửa lại bố cục sản phẩm 2 (Bộ cơ sở dữ liệu) cho hợp lí hơn; Bổ sung kích thước cơ bản của các dạng khối Reefball để các đơn vị tiếp nhận có thể ứng dụng được; Nên có kiến nghị phạm vi ứng dụng của cấu kiện Reefball mà đề tài nghiên cứu đề xuất; Đề nghị hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp và các sản phẩm khoa học công nghệ theo ý kiến của các phản biện và ý kiến khác của thành viên hội đồng.

Với kết quả đã đạt được, Hội đồng tư vấn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia nhất trí đánh giá nghiệm thu, xếp loại Đạt.

Thay mặt nhóm thực hiện đề tài, TS. Doãn Tiến Hà trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các đơn vị hợp tác đã quan tâm đến dự và góp ý cho đề tài và sẽ cùng các thành viên tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm theo các ý kiến đóng góp./.

Một số hình ảnh của Hội đồng đánh giá làm việc

Tin bài: PTNTĐ